Không chỉ với người lớn, với trẻ thơ mỗi cuốn sách còn là một thế giới bí ẩn, khám phá nó sẽ thấy được vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống
Nhà văn Macxin Gorki đã từng nói: “Mây đen có thể che được ánh sáng mặt trời, nhưng không gì có thể che được ánh sáng của sách mang lại. Mỗi cuốn sách đều mang tới cho người đọc rất nhiều ý nghĩa của cuộc sống. Không chỉ với người lớn, với trẻ thơ mỗi cuốn sách còn là một thế giới bí ẩn, khám phá nó sẽ thấy được vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống”.
Trong thời đại công nghệ thông tin và sự bùng nổ của hệ thống truyền thông nghe – nhìn, việc đọc sách đã có nhiều thay đổi so với trước đây và đang bị lấn lướt bởi văn hóa nghe – nhìn. Các phương tiện truyền thông ngày càng đa sắc, nhất là các kênh giải trí rất hấp dẫn, thu hút thị hiếu học sinh. Nhà nhà wifi, người người smartphone (điện thoại thông minh). Các thiết bị điện tử và mạng xã hội,… đang chiếm hết sự chú ý của lứa tuổi các em. Ngoài những công việc cần làm, các em lại say sưa với chiếc điện thoại. Sự say mê này khiến các em khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng, cáu giận, ít quan tâm đến thế giới xung quanh, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành và phát triển cả về mặt sinh lí, tâm lý…Như vậy, sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, facebook, youtube …khiến học sinh có ít thời gian dành cho việc đọc sách. Quỹ thời gian eo hẹp cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe – nhìn đã làm thay đổi thói quen đọc sách trong học sinh. Học sinh đọc sách nhanh hơn, sách mỏng hơn và “đọc lướt” hơn. Khi đọc các em có xu hướng đọc trên mạng internet, điện thoại di động còn việc đọc trên sách in ngày càng giảm. Việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách ở các em là rất quan trọng.
Do đó, văn hóa đọc đang được toàn xã hội quan tâm. Đó là một trong những vấn đề then chốt của giáo dục khai phóng, hướng tới năng lực tự học suốt đời của con người. Văn hóa đọc chính là cốt lõi của đổi mới giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển xã hội. Phát triển văn hóa đọc là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức cho cả giáo viên và học sinh. Đó còn là hành trình giúp cả giáo viên và học sinh tự khám phá chính mình, hướng đến những giá trị cao đẹp trong cuộc sống, phát triển nhân cách, bồi đắp tâm hồn, thắp sáng những ước mơ, lý tưởng cho người đọc. Sách không chỉ cho ta tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi mặt của đời sống mà nói theo Các Mác, sách còn giúp “con người sống người hơn”. Vì vậy, đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hiện nay.
Theo đó, phụ huynh và nhà trường cần để học sinh hiểu rõ Vì sao đọc sách quan trọng và thực hành đọc sách theo một số phương pháp nhỏ sau đây:
Đọc sách để khơi mở sự tưởng tượng
Chọn một không gian yên tĩnh, chọn một đề sách phù hợp với sở thích của trẻ giúp trẻ đọc và phát triển tính hình dung và sự tưởng tượng của não bộ. Điều đó cũng giúp trẻ dễ dàng yêu thích việc đọc sách. Một số sách có thể giúp trẻ phát triển sự tưởng tượng như : truyện ngắn, văn tả cảnh, văn tả thực, truyện trinh thám…
Đọc sách để tìm hiểu chính mình
Việc hiểu được chính mình thông qua sách vở cũng khá là quan trọng giúp trẻ định hình được suy nghĩ, cá tính trong tương lai, có thể giúp trẻ có tâm lý tốt hơn, có nhiều quan điểm riêng hơn để có thể không bị bỡ ngỡ trước nhiều đổi thay trong cuộc sống.
Đọc sách để phát triển óc khoa học và kinh doanh
Một số trẻ lại phù hợp với các sách khoa học và kinh doanh nên cha mẹ cũng nên thấu hiểu và lựa chọn cho trẻ. Hoặc cho dù trẻ chưa thích hợp lắm với các sách về kinh doanh thì cha mẹ cũng nên từng bước hướng dẫn để trẻ có cái nhìn thực tế hơn, rõ ràng hơn để đầu tiên trẻ có thể áp dụng những kiến thức đó vào việc học tập, sử dụng tài chính và từng bước hình thành tư duy kinh doanh cho trẻ một cách thực tiễn nhất.
Cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp đọc sách trên cho trẻ cho phù hợp để khai thác được tiềm năng bên trong trẻ đồng thời cũng xây dựng một thói quen, một văn hóa cho trẻ khi tiếp xúc với sách để từ đó sách có thể giúp trẻ phát triển tốt hơn trong cuộc sống.