Lớp Học Đảo Ngược Giúp Xây Dựng Tính Chủ Động Trong Học Tập

Lớp Học Đảo Ngược là gì?

Lớp học đảo ngược được ví như cuộc cách mạng lớn trong nền giáo dục. Hẳn ngay qua tên gọi cũng khiến chúng ta hình dung được rằng, phương pháp giáo dục này sẽ trái ngược hoàn toàn lại so với cách dạy và học truyền thống.

Quay trở lại, chúng ta cùng nói qua một chút về mô hình dạy – học truyền thống hiện nay. Một buổi học sẽ bắt đầu với việc giáo viên chuẩn bị bài giảng, học sinh làm bài tập về nhà của buổi trước. Giáo viên tiến hành kiểm tra bài cũ, tiến hành giảng bài mới và cuối cùng ôn luyện tổng kết bài học. Trong quá trình đó, người học sẽ lắng nghe, ghi chép, phát biểu và thực hiện một số nhiệm vụ giáo viên giao cho.

Cả quá trình diễn ra thì 80 – 90% là giáo viên giảng, học viên nghe giảng và ghi chép. Có chăng chỉ 10 – 20% thời gian là lúc cô – trò trao đổi, luyện tập với nhau một cách học thụ động và kém hiệu quả.

Lớp học đảo ngược sẽ giúp “lật ngược tình thế”. Thay vì học sinh đến lớp nghe thầy cô giảng bài rồi làm bài tập theo yêu cầu, học sinh sẽ tìm hiểu bài học trước, đặt ra trước những câu hỏi trong đầu, giáo viên có vai trò định hướng, giúp học viên hiểu sâu hơn các kiến thức bài học. Sau mỗi buổi học, người học tự đúc kết kiến thức cho bản thân.

Với phương pháp lớp học đảo ngược, người học ở vị thế hoàn toàn chủ động, tự tìm hiểu, học tập, phân tích, tổng hợp, đánh giá và vận dụng các kiến thức đã học được vào thực tế. Thay vì chỉ lắng nghe rồi ghi nhớ, thông hiểu sau đó vận dụng. Cách học chủ động sẽ giúp học viên tiếp thu, tận dụng kiến thức học tập một cách hiệu quả cao hơn so với cách học thụ động truyền thống.

 
Vì sao phải xây dựng tính chủ động trong học tập?
 
Có một câu chuyện ngụ ngôn Ả Rập rất ngộ nghĩnh sau đây do văn sĩ Anatole France thuật lại:
 
Có một nhà vua gọi các bậc trí giả trong nước, bảo tìm tòi và mang lại cho ông sự khôn ngoan. Các nhà bác học ấy sưu tầm tất cả sách vở hay nhất trong nước để chở đến cho nhà vua. Nhà vua đang bận vui chơi trong một yến tiệc nên không có ngày giờ đọc: “Nhiều quá! Làm sao đọc hết được? Suốt đời ta cũng không đọc hết. Các người hãy tuyển lại trong đống sách ấy những quyển nào hay nhất và cần thiết nhất thôi”.
 
Các nhà bác học ngày đêm tuyển chọn, còn được một số sách hay nhất, bèn đem chở đến nhà vua. Bấy giờ, nhà vua đang mơ màng buồn ngủ, bèn bảo: “Vẫn còn nhiều quá! Các khanh cố gắng thêm lên, đọc lại thật kỹ các sách này và tóm tắt lại tinh hoa của nó, viết lại thành một quyển sách thôi, rồi ta sẽ đọc quyển ấy để thu thập sự hiểu biết của những bậc thông minh nhất thế giới từ cổ chí kim, có phải tiện hơn không?”.
 
Các nhà bác học uyên thâm nhất cặm cụi cả năm trường mới rút đặng tinh hoa vào một bộ sách duy nhất. Lòng mừng khấp khởi, vị cao niên nhất trong các nhà thông thái ôm bộ sách quí ấy vào đền. Nhà vua cũng vẫn chê là còn dài dòng lắm: “Khanh hãy cố gắng rút tất cả tinh hoa bộ sách này làm thành một câu thôi, như thế ta chỉ học lấy câu ấy để biết được tất cả cái biết của con người từ xưa đến nay, trong khắp thiên hạ”.
 
Nhà thông thái trở về, và sau một tháng trở vào đền, cầm theo câu tư tưởng chứa đựng tinh hoa tất cả sự hiểu biết của con người, viết trên một tấm lụa ngà: “Con người sinh ra, yếu đuối, trần truồng. Càng ngày càng lớn hơn, về sức mạnh cũng như về dục vọng, nhưng lòng tham muốn lại không bao giờ thỏa mãn. Rồi tàn tạ, rồi tiêu vong”.
 
Nhà vua đang bận sửa soạn ra quân, tỏ vẻ giận dữ nói: “Điều ấy có gì mà phải nói. Ta đã biết dư rồi! Các anh toàn là bọn láo cả!”
 
Câu chuyện trên tuy ngắn nhưng sớm giúp chúng ta nhận ra bài học là cho dù chúng ta có được dạy bởi bao nhiêu học giả uyên bác mà chúng ta không có sự chủ động tìm tòi phù hợp trong học tập thì kết quả cũng vô ích bởi vì sự học thì rộng lớn mà khả năng con người thì có giới hạn.
 
Cho nên việc người học tự chủ động xây dựng cho mình một phương pháp học tập cá nhân và một tinh thần chủ động khi học tập sẽ đem lại một hiệu quả sâu sắc nhất và một tinh thần học hỏi nhiều phấn khởi nhất đối với người đó.
 
Một học sinh có tính chủ động trong học tập sẽ có được những gì?
 
Như đã nói ở trên, một học sinh có tính chủ động trong học tập sẽ đem lại cho mình hiệu quả học tập tốt nhất đồng thời cũng đem lại một tinh thần phấn khởi nhất trong học tập vì những kết quả mà người đó đạt được trong thời gian sớm nhất. Một số chiến lược giúp học sinh tự xây dựng việc học tập hiệu quả có thể được áp dụng:
 
Đặt câu hỏi 
Tại sao bạn nên đặt câu hỏi trong giờ học? Bởi đây là cách bạn khám phá và tiếp cận với chủ đề bài học thay vì chờ cô giáo giảng dạy. Bạn hãy bắt đầu bằng các câu hỏi “Tại sao nó lại như thế này….”, “ Nếu….. thì”, điều này sẽ kích thích sự tò mò và thúc đẩy việc tìm hiểu và giải thích. Phương pháp này mang đến cho người học sự chủ động, cũng như động lực để khám phá thêm nhiều điều mới.
 
Sử dụng sơ đồ tư duy 
Mind map hay sơ đồ tư duy sẽ giúp bạn thống kê và tổng hợp một cách khái quát và rõ ràng nhất những kiến thức đã học. Ghi nhớ bằng hình ảnh sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn so với việc học thuộc và chép bài. Đây cũng là cách giúp ta cải thiện kỹ năng tư duy, phân tích và khái quát vấn đề.
 
Ứng dụng công nghệ
Internet và các thiết bị đa phương tiện là công cụ hỗ trợ việc học hiệu quả. Am hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ sẽ tạo thuận lợi cho ta trong việc tiếp thụ và hoàn thành tốt các bài thuyết trình. Nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nếu không biết tận dụng công nghệ nó sẽ trở thành điểm yếu của bản thân.
 
Tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ
Thay vì ngồi một mình và giải bài toán khó trong vài tiếng thì bạn hoàn toàn có thể tận dụng thời gian và làm nhóm với bạn bè. Học cùng nhau là phương pháp học tập chủ động hiệu quả, đơn giản nhất mà bạn nên áp dụng. Tham gia câu lạc bộ, ta có thể làm việc với nhiều bạn mới, rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Các cuộc tranh luận cũng là cơ hội để bạn khẳng định mình và đề xuất thêm nhiều ý tưởng mới.
 
Ta có thể học cả đời nhưng nếu biết cách học tập khoa học thì hiệu quả mang lại sẽ gấp nhiều lần cách học truyền thống. Thay đổi tư duy học tập chính là đổi mới cách làm việc để làm quen với thời đại mới. Hy vọng thông qua bài viết này bạn sẽ hiểu rõ hơn về học tập chủ động là gì, cách tạo lập chiến lược học tập phù hợp với bản thân.
 

 

Contact Me on Zalo